Hỏi đáp: Người nhà có được vào phòng sinh không?

Câu hỏi

Bệnh viện cho em hỏi là khi thai phụ vào phòng sinh thì có cho người nhà vào không ạ? Ví dụ như chồng hay mẹ cũng được. Vì em thấy bên nước ngoài có cho người nhà vào phòng sinh để có thế thấy người vợ vượt cạn hoặc chứng kiến cảnh con mình chào đời. Mong nhận được câu trả lời từ bệnh viện! Thân!

Trả lời

Kính chào chị Cúc và quý khách hàng,

Việc đón chào thành viên mới của một gia đình sau chín tháng mười ngày mang thai cực nhọc luôn là niềm vui sướng hạnh phúc nhất của mỗi người làm cha, làm mẹ và cả của ông bà, dòng họ.

Thật hạnh phúc và may mắn cho những phụ nữ khi vượt cạn lại có chồng hay mẹ bên cạnh, vì chắc chắn mỗi cơn đau như được giảm nhẹ đi, sự lo lắng sợ hãi của sản phụ sẽ vơi đi thật nhiều. Có mẹ bên cạnh thì niềm tin sẽ được tăng thêm, những kinh nghiệm thực tế của bà ngoại bà nội sẽ là nguồn động viên thuyết phục nhất cho người vượt cạn. Đặc biệt khi có chồng bên cạnh, không gì ý nghĩa hơn khi đứa con cùng lúc được cả cha và mẹ chào đón khi cất tiếng khóc chào đời. Người chồng còn có cơ hội cảm nhận đầy đủ những khó khăn, cực nhọc, đau đớn và hy sinh của người vợ khi vượt cạn.

Chính vì lẽ đó mà từ năm 2004, bệnh viện Từ Dũ đã dành riêng 03 phòng của khoa Sanh cho những trường hợp sản phụ có yêu cầu sanh với sự có mặt của 1 thành viên nữa của gia đình. Khi sản phụ vào bệnh viện Từ Dũ, việc đăng ký “sanh gia đình” có thể được sản phụ hoặc gia đình tự ghi vào phiếu yêu cầu ngay từ khoa Cấp cứu, khi đến phòng nhận bệnh của khoa Sanh hay đã nằm tại phòng theo dõi của khoa Sanh đều được bệnh viện đồng ý và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho gia đình.

Khi cuộc chuyển dạ chưa tiến triển tích cực (cổ tử cung chưa mở đến 4cm) mọi sản phụ đều được theo dõi chuyển dạ trong phòng chờ sanh như nhau, chưa chuyển qua phòng “sanh gia đình” vì cuộc chuyển dạ tiến triển chậm, có khi nhiều giờ sau vẫn chưa tiến triển thêm. Khi cổ tử cung mở từ 4cm trở lên, trong vòng khoảng 4 – 6 giờ nữa sẽ kết thúc (bằng việc sanh hay mổ nếu có lý do chính đáng) thì sản phụ sẽ được chuyển đến phòng “sanh gia đình”. Lúc này người nhà sẽ được mời đến khoa Sanh, được khoác áo và thay dép của khoa Sanh và ngồi trong phòng riêng với sản phụ cho đến khi sản phụ sanh xong hoặc khi cần chuyển mổ. Trong thời gian này, người nhà thực sự chia sẻ với sản phụ và cả nhân viên y tế về những khó khăn, cực nhọc trong quá trình theo dõi và đỡ 1 ca sanh.

Một chia sẻ kinh nghiệm thực tế là người vào cùng sản phụ nên là người không sợ kim chích, không sợ máu và phải bình tĩnh trước những hình ảnh can thiệp y khoa mà nếu không có chuyên môn đôi khi sẽ cảm thấy bất an, lo lắng, đôi khi là sợ. Và người chồng cũng cần phải có sức “chịu đựng đau đẻ” cùng với vợ khi vì đau mà một số sản phụ rất dễ cáu gắt, đôi khi là … “ngắt nhéo”, thậm chí là vò đầu bứt tóc của … chồng.

Nhưng cho dù thế nào, thì việc có gia đình bên cạnh lúc sản phụ vượt cạn luôn là việc nên làm, nó mang đậm ý nghĩa văn minh, văn hóa và tình người sâu sắc.

BS. CK2. Hoàng Thị Mỹ Ý
TS. BS. Phan Trung Hòa
Khoa Sanh – BV Từ Dũ

Nguồn: https://tudu.com.vn/vn/suc-khoe-mang-thai/nguoi-nha-co-duoc-vao-phong-sinh-khong/

Hỏi đáp: Người nhà có được vào phòng sinh không?
4.0 trên tổng số 16136 đánh giá

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *