Hỏi đáp: Hẹp khung xương chậu

Câu hỏi

HIện tại thai của em được hơn 38 tuần. Đi khám, bác sĩ chỉ định chụp X-quang khung xương chậu và kết quả là em bị hẹp khung chậu, phải mổ để lấy thai. Bác sĩ bảo em chọn ngày để mổ lấy thai nhưng em thì không thích như vậy. Xin cho hỏi là nếu em để đến ngày chuyển dạ rồi đi mổ lấy thai thì có gặp nguy hiểm gì không ? Giữa 2 cách: chọn ngày để mổ lấy thai hay chờ đến ngày chuyển dạ rồi mổ lấy thai, cách nào an toàn cho cả 2 mẹ con em ?Có trường hợp nào bị hẹp khung chậu mà sinh thường được không ? Nếu lần đầu sinh mổ thì lần thứ 2 có phải sinh mổ không ? Bao lâu thì mới nên có thai lần 2 ?Thông thường sinh mổ phải ở lại bệnh viện tối thiểu bao nhiêu ngày ?Trong trường hợp em đăng ký sinh mổ dịch vụ, chọn bác sĩ để đỡ sinh, nằm phòng dịch vụ 2 người, xin bệnh viện vui lòng ước tính chi phí thông thường (bao gồm cả tiền thuốc men) là khoảng bao nhiêu ?Em có bảo hiểm y tế ở bệnh viện Bưu Điện. Vậy em có cần làm thủ tục chuyển viện không ? Nếu có thì làm khi nào, trước hay sau khi sinh ? Và được giảm bao nhiêu phần trăm viện phí (là những chi phí mà bảo hiểm sẽ trả cho ng bệnh), em nghe nói là 30%, không biết có đúng hay không nữa.Xin bệnh viện trả lời giúp em. Em xin cảm ơn !

Trả lời

Chào em,
Trường hợp của em có chỉ định mổ lấy thai vì khung chậu hẹp. Thai 38 tuần là đã trưởng thành và có thể mổ từ ngày này trở về sau.

Có thể mổ lấy thai giai đoạn chưa vào chuyển dạ hoặc đã vào chuyển dạ đều được. Mổ lúc chưa vào chuyển dạ thai phụ đỡ phải chịu đau 2 giai đoạn: đau do chuyển dạ và đau do mổ, có thể chủ động được về thời gian, có sự chuẩn bị trước mổ về xét nghiệm và khám tiền mê; có 1 số người lo rằng bế sản dịch sau mổ do cổ tử cung không mở rộng, tuy nhiên để tránh   tình trạng bế sản dịch này bác sĩ phẫu thuật sẽ dùng tay nong cổ tử cung. Mổ khi vào chuyển dạ thai phụ dễ lo lắng và bối rối hơn, đau chuyển dạ làm tăng sự mệt mỏi sau mổ hơn, thường không được chuẩn bị trước mổ tốt (chỉ làm các xét nghiệm cấp cứu và không được khám tiền mê, không có nhịn ăn trước). Tuy nhiên cổ tử cung mở sẵn khi vào chuyển dạ   làm sản dịch thoát ra dễ dàng hơn, nếu vào chuyển dạ có vỡ ối sớm thì nguy cơ nhiễm trùng gia tăng.

Khung chậu hẹp chỉ sinh thường được khi thai nhi nhẹ cân (<2500g) và ngôi thuận trên người chưa mổ lấy thai lần nào.

Lần đầu sinh mổ vì khung chậu hẹp thì lần mang thai thứ 2 khun   chậu vẫn hẹp (lý do mổ không đổi) nên phải mổ lấy thai lại. Nên kế hoạch và 2 năm sau để có thai lại.

Thông thường sau mổ nằm viện từ 4 đến 5 ngày.

Giá dịch vụ như sau:

– Mổ lấy thai lần đầu: 2000.000 đ (mổ lần 2 là 2.500.000đ).

– Phòng 2 người: mỗi giường 300.000đ/ngày/ (Khu điều trị theo yêu cầu);

                                Khu B và khu E: phòng máy lạnh 200.000đ/ giường/ ngày;

                                                            phòng quạt thì 150.000đ/giường /ngày.

– Tiền thuốc men và thay băng cho mỗi ngày trung bình khoảng 300.000đ.

– Nếu bé được gửi dưỡng nhi thì chi phí điều trị riêng.

Em có bảo hiểm y tế tại BV Bưu Điện, nếu có giấy chuyển viện trước khi vào viện sẽ được giảm 80% tiền viện phí thường (chỉ đóng 20% mà thôi). Riêng các khoảng dịch vụ thì bệnh nhân phải trả đủ. Nếu không có giấy chuyển viện thì em được giảm 30% (phải đóng 70%) tiền viện phí thường.

 

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám Bệnh – Bệnh viện Từ Dũ

Nguồn: https://tudu.com.vn/vn/suc-khoe-mang-thai/hep-khung-xuong-chau/

Hỏi đáp: Hẹp khung xương chậu
4.2 trên tổng số 22582 đánh giá

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *