Hỏi đáp: đẻ thường và đẻ không đau

Câu hỏi

Bác sĩ ơi cho em em hỏi em đang diều trị ở khoa hiếm muộn của bệnh viện Từ Dũ và đã có thai( thai tự nhiên) hiện nay thai  là 36 tuần.Em phân vân giữa lựa chọn đẻ thường và đẻ không đau vì em bị huyết áp thấp.Cho em hỏi tác dụng của đẻ không đau và có ảnh hưởng gì đến sau này không ạ?

Trả lời

Chào bạn, 

Khi vào chuyển dạ sinh, với những cơn gò tử cung ngày càng tăng dần về cường độ và tần số làm cho sản phụ có cảm giác đau. Cảm giác đau này có khác nhau tùy vào ngưỡng chịu đau từng người. Với những sản phụ có ngưỡng chịu đau cao thì dễ dàng vượt qua được và cuộc chuyển dạ sinh có thuận lợi hơn mà không phải dùng phương pháp giảm đau nào.

Với những sản phụ có ngưỡng chịu đau thấp thường gặp phải nhiều khó khăn: mệt mỏi, vật vã, lo lắng, thậm chí có khi ngất đi. Chính những yếu tố này gây cản trở không ít cho quá  trình sinh đẻ. Vì vậy, có khá nhiều phương pháp để giảm đau trong chuyển dạ: 

  • Không dùng thuốc

– Chuyển động (tư thế giúp giảm đau)
– Kích thích điện qua da. *
– Liệu pháp tâm lý
– Thôi miên (Hypnosis – giấc ngủ nhân tạo)*
– Châm cứu *
– Massage, vật lý trị liệu *
– Cho chồng vào bên cạnh vợ để động viên vợ khi sinh.
– Tập luyện trong thai kỳ với phương pháp thở sâu. Có các lớp học dành cho sản phụ gần sinh về các tập thở, tập rặn.
– Đẻ trong nước.*

Lưu  ý *: Chưa áp dụng rộng rãi tại các bệnh viện sản trong nước. 

  • Dùng thuốc
  •  

  • Hiện tại hầu hết các cơ sở sản khoa dùng phương pháp gây tê ngoài màng cứng hoặc tê tủy sống để giảm đau.
  •  

  • Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phụ đều có thể áp dụng được. Những trường hợp sau đây không thể gây tê ngoài màng cứng hay tê tủy sống được:
  •  

  • Dị ứng với thuốc tê nhóm amide
  •  

  • Tụt huyết áp nặng chưa điều chỉnh được
  •  

  • Đang dùng thuốc chống đông máu
  •  

  • Viêm cấp tính, nhiễm trùng huyết
  •  

  • Bệnh lý thần kinh-tủy sống
  •  

  • Bệnh cột sống (lao, u bướu…)

Với bạn vì huyết áp thấp nên có thể chọn lựa 1 trong những biện pháp kể trên không ảnh hưởng đến huyết áp. Tuy nhiên, cũng có 1 số  thai phụ nghĩ là mình bị huyết áp thấp nhưng vì có thể điều chỉnh bằng truyền dịch nên vẫn có thể tê ngoài màng cứng được.

Với gây tê ngoài màng cứng, khi vào chuyển dạ thực sự, cổ tử cung mở từ 4 cm trở lên, cơn gò khá và sản phụ cảm giác đau nhiều mới có thể bắt đầu thực hiện. Khi sắp sinh, cổ tử cung mở từ 7cm trở lên nên gây tê tủy sống.

Trước khi gây tê ngoài màng cứng để giảm đau sản khoa, các bác sĩ chuyên khoa gây mê khám và đánh giá bạn có nằm trong những trường hợp chống chỉ định hay không. Nếu bạn không thuộc diện chống chỉ định, sẽ tư vấn cho bạn về cách làm, hiệu quả, việc thực hiện châm tê sẽ được tiến hành. Nếu thực hiện đúng kỹ thuật và chỉ định, tê ngoài mang cứng hầu như không ảnh hưởng gì về sau.

TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Từ Dũ

Nguồn: https://tudu.com.vn/vn/suc-khoe-mang-thai/de-thuong-va-de-khong-dau/

Hỏi đáp: đẻ thường và đẻ không đau
4.2 trên tổng số 22443 đánh giá

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *